Những mở bài hay nhất về tác phẩm "Chí Phèo" (Nam Cao) || Học văn chị Hiên

Ngày 11/10/2020 10:01:56, lượt xem: 7940

Những mở bài hay nhất về tác phẩm "Chí Phèo" (Nam Cao) || Học văn chị Hiên

1. Khi “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố và “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan ra đời, chắc ít ai nghĩ rằng, thân phận người nông dân dưới ách đế quốc phong kiến lại có thể có một nỗi khổ nào hơn những nỗi khổ của chị Dậu, anh Pha. Những năm 40 của thế kỉ, trên văn đàn hiện thực Việt Nam, Nam Cao nổi bật với những trang viết khai phá sâu sắc bi kịch của nhữngkhiếp người khổ đau trong bóng đêm của xã hội cũ. Tấm lòng nhà văn hướng về cuộc sống lầm than cơ cực của người nông dân. Phát hiện trong quẩn quanh bế tắc là bi kịch khủng kiếp hủy hoại cả nhân tính lẫn nhân hình. Chí Phèo bước ra từ những trang sách của nhà văn Nam Cao thì người ta mới nhận ra rằng đây là hiện thân đầy đủ những gì gọi là khốn khổ, tủi nhục nhất của người dân cùng ở một nước thuộc địa. Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên là nhân vật thể hiện rõ nhất cái nhìn mới mẻ của Nam Cao về người nông dân trước cách mạng.

2.Tiếng chửi của một thằng say đã mở đầu cho thiên truyện ngắn đặc sắc “Chí Phèo” của Nam Cao. Nhà văn đã mở ra một cuộc đời đầy bi kịch của một Chí Phèo thù hận với tất cả: Cuộc đời, xã hội- con người và ngay cả bản thân mình. Một Chí Phèo triền miên trong cơn say, mất cả lương tri. Trên hành trình dài đằng đẵng của một khiếp sống không ra sống trong không gian tăm tối ngột ngạt của xã hội Việt Nam đêm trước của cách mạng. Nhà văn đã dẫn dắt người đọc vào một cuộc đời đau khổ và kết thúc trong cái vòng luẩn quẩn bế tắc. Chí Phèo thật sự là một kiệt tác trong văn xuôi đương thời. Là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn Nam Cao. Hình tượng nhân vật Chí Phèo một điển hình nghệ thuật bất hủ trong văn xuôi Việt Nam - đã thể hiện cái nhìn đầy đủ mới mẻ, độc đáo có chiều sâu trong thể hiện nỗi khổ con người trong sáng tác của Nam Cao

3. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã từng tâm sự: “Khi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ những trang sách của Nam Cao, người ta mới thấy đây là hiện thân đầy đủ nhất cho những gì gọi là cùng khổ của người dân cày trong một xã hội thuộc địa: bị dày đạp, cào xé, hủy hoại cả nhân tính lẫn nhân hình”. Vốn là một nhà văn hiện thực đến sau, bước vào làng văn học khi mà mảnh đất về người nông dân đã được lật xới nhiều lần. Nam Cao vẫn cày được những đường cày thật đẹp và nâng tác phẩm của mình trở thành tuyệt bút. Và Chí Phèo thực sự đã trở thành hồi chuông vang vọng, tiếng kêu cứu khẩn thiết của con người được Nam Cao tái hiện qua số phận của nhân vật cùng tên.

4. Khi “Đôi lứa xứng đôi” chập chững bước những bước đầu tiên vào văn đàn Việt Nam thì văn học hiện thực cũng đang ở thời kỳ viên mãn nhất. Từ “Hạnh phúc một tang gia” của Vũ Trọng Phụng với những tình huống lố bịch, hỡm hĩnh phê phán thói rởm đời trong một xã hội thượng lưu đầy những tính toán, mưu mô. Hay câu chuyện về chị Dậu trong tác phẩm “Tắt đèn” với hình ảnh về một người phụ nữ quanh năm sống trong túng thiếu và khó nhọc, phải bán cả con, bán cả thân để có đủ tiên sưu nộp cho chồng. Thì chỉ khi những độc giả đến với Chí Phèo, tấm màn mới được vén lên cũng là khi tấn bi kịch trò đời của Chí Phèo – tấn bi kịch đớn đau nhất của người nông dân được lật mở. Một tiếng kêu cứu thất thanh của một con người trong xã hội đầy tuyệt vọng. Tôi đã đọc và bị ám ảnh bởi truyện ngắn này nhiều đến thế qua tấn bi kịch mà Chí Phèo gặp phải trong cuộc đời của mình – tấn bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người. 

5.Đề tài người nông dân từ lâu đã trở thành đề tài quen thuộc trong nền văn học Việt Nam hiện đại, là mảnh đất màu mỡ để các nhà thơ, nhà văn đi sâu vào khai thác. Nam Cao là người đến sau khi mà mảnh đất ấy đã được khai phá, nhưng với ông '' Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới'', bằng tất cả tâm huyết, tình cảm của mình đối với những con người nghèo khổ – những kẻ dưới đáy của xã hội, Nam Cao đã tìm được cho mình một chỗ đứng riêng. Tác phẩm Chí Phèo – đứa con sinh sau đẻ muộn nhưng không chịu kém thua “anh chị” mình vươn mình lên hàng kiệt tác – đỉnh cao của văn học 1930 – 1945.

6.Nhà phê bình văn học Nga đã từng viết: “Nhà văn phải biết khơi lên ở con người lòng trắc ẩn, ý chí phản kháng cái ác, cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp. Và Nam Cao – con người của “năm năm cho một sự nghiệp không lẫn với ai, năm năm trung thành với hướng đi không nghiêng ngả, năm năm cày xới để tự biếm họa, tự khẳng định” đã làm được điều ấy với hình tượng nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của mình. Chí Phèo là tác phẩm ghi dấu tên tuổi của Nam Cao trong văn đàn Việt Nam, là tiếng kêu cứu thất thanh, là lời cảnh báo, là bức tranh tốc cáo hiện thực tàn khốc của làng quê Việt Nam trước cách mạng tháng Tám.

Tin liên quan